Dù được coi là cây trồng cho ra nhiều sản phẩm chế biến nhất cả nước nhưng nông dân trồng dừa vẫn thường xuyên “vật lộn” với đầu ra của trái dừa khô vì yếu khâu chế biến. Từ đó cho thấy để gỡ khó cho nông dân nói chung, việc “nâng chất” chế biến nông sản cần tiếp tục có sự đột phá, nhất là tránh những nghịch lý vào những lúc nông sản tắc đầu ra lại đành đổ bỏ một cách lãng phí.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN), thương lái thu mua dừa khô nguyên trái ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ rất lo ngại vấn đề không kiểm soát được dừa lên mộng. Điều này vừa làm tăng chi phí nhân công xử lý trái dừa vừa khiến cho nông dân lâm vào thế khó khi bán dừa khô.
Nhìn từ trái dừa khô
Nhất là có những thời điểm như hồi năm 2021, 2022 và kéo dài cho đến tháng đầu năm 2023 do Trung Quốc ngừng nhập khẩu nên dừa khô ế ẩm, rớt giá thê thảm (chỉ ở mức khoảng 15.000 – 20.000 đồng/12 quả).
Không những vậy, thương lái từ chối thu mua khiến cho dừa lên mộng, nông dân phải cắn răng bán dừa khô ứ đọng với giá như cho, thậm chí trái dừa lên mộng được xem như thứ vứt đi vì không ai mua, nhất là ở vùng trồng nhiều dừa như miền Tây.
Cũng cần lưu ý là mộng dừa có những lúc được bày bán ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM với giá từ 200.000 – 300.000 đ/kg tùy theo cỡ mộng, cao gấp 100 lần so với giá trái dừa thông thường (2.000 – 2.500 đ/trái). Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ chưa được nhiều.
Trong khi đó, số lượng lớn mộng dừa vẫn được thải ra mỗi ngày tại các nhà máy, cơ sở sản xuất khi mà chưa có ý tưởng chế biến chuyên sâu, bị bỏ đi hoặc cho người lao động mang về để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Còn trong tháng 5/2023, nhờ giá dừa thế giới tăng, sau hơn 2 năm tụt dốc thì giá dừa khô ở trong nước đã tăng mạnh trở lại ở mức 55.000 – 60.000 đồng/chục (12 trái), nông dân trồng dừa phấn khởi trở lại.
Tuy nhiên, qua tình hình giá cả trồi sụt, đầu ra thiếu ổn định và cả rủi ro khi trái dừa lên mộng như vậy, sẽ thấy việc “nâng chất” chế biến cho trái dừa khô (trong đó có mộng dừa) để vừa giảm thiểu rủi ro vừa tạo ra mặt hàng có giá trị cao là cực kỳ quan trọng. Nhất là cây dừa được coi là cây trồng cho ra nhiều sản phẩm chế biến nhất cả nước hiện nay.
Chính vì vậy, đứng ở góc độ của một DN luôn trăn trở khâu chế biến sâu cho trái dừa khô, ông Lý Thái Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất dừa Ben Tre (Bentrecorp), cho rằng mặc dù trái dừa khô có lên mộng thì vẫn cần được dùng để làm nguyên liệu. Với một trái dừa thông thường ngoài việc khai thác vỏ dừa, gáo dừa, mụn dừa, xơ dừa, cơm dừa, nước dừa,… thì mộng dừa cũng phải được khai thác chế biến.
Điều này cũng sẽ làm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân cũng như làm gia tăng chuỗi giá trị trái dừa. Theo ông Minh, từ ý tưởng ban đầu là làm sao để xử lý cái khó cho bà con nông dân về vấn đề tiêu thụ trái dừa khô khi bị lên mộng (sẽ bị ra dầu, không khai thác được nước, cơm dừa kém chất lượng), công ty đã nghiên cứu và chế biến thành công một sản phẩm làm từ mộng dừa, đó là cà phê hòa tan mộng dừa.
Tránh để xảy ra nghịch lý
Như tính toán của vị giám đốc này, nếu trung bình một ngày tiêu thụ ra thị trường được 1 container 20 feet tương đương 5,4 tấn cà phê hòa tan mộng dừa mà công ty đã chế biến đồng nghĩa là sẽ tiêu thụ được 2 tấn mộng dừa tươi. Nếu ước tính giá bán trung bình 1kg mộng dừa tươi là 50.000 đồng thì mỗi ngày sẽ tiêu thụ được 100 triệu đồng, tương đương 1 năm là 36 tỷ đồng.
“Tôi cho rằng đây là một sản phẩm có thể giải quyết bài toán kinh tế cho tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước như Bến Tre”, ông Minh chia sẻ.
Nhìn từ trái dừa khô, có thể thấy việc tạo đột phá trong chế biến là rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân vào những lúc đầu ra bấp bênh, giá cả trồi sụt thất thường do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trái cây tươi.
Nhất là hiện nay ở nhiều địa phương vẫn tồn tại nhiều nghịch lý là DN nhập khẩu nguyên liệu nông sản để chế biến, còn nông dân khi không bán được nông sản (xuất khẩu không được, bán lẻ thì ế ẩm, DN chế biến không chịu thu mua) thì đành đổ bỏ một cách lãng phí.
Như ở Đồng Nai, tình trạng đầu ra của trái xoài (là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 12 ngàn ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 113 ngàn tấn) thường rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá. Chỉ vì phụ thuộc vào việc bán tươi cho thương lái xuất khẩu đi Trung Quốc, khi nguồn cung lớn hơn cầu hoặc thị trường này tạm ngưng nhập khẩu thì nông dân không biết bán đi đâu.
Điều đáng nói là một số HTX, tổ hợp tác xoài ở tỉnh này từng ký kết hợp tác với các DN, cơ sở chế biến để đưa trái xoài vào chế biến nhưng hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là các chuỗi liên kết giữa nông dân và DN lỏng lẻo. Chẳng hạn, DN chế biến đưa ra mức giá bao tiêu cả vụ với trái xoài Đài Loan chỉ từ 4-4,5 ngàn đồng/kg, nông dân không mặn mà tham gia vì lợi nhuận thấp.
Chưa kể, khâu chế biến cho trái xoài vẫn còn khá đơn điệu. Các DN chưa áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu còn hạn chế. Sản phẩm chế biến từ xoài cung ứng ra thị trường chủ yếu là sấy khô, sấy dẻo, chất lượng đồng đều còn ít, nên khó cạnh tranh trên thị trường. Và như vậy càng khó giúp nông dân ở khâu đầu ra mỗi khi được mùa mất giá.
Hoặc nhìn từ chuyện chật vật “giải cứu” trái cam sành những tháng đầu năm nay cũng sẽ thấy điểm yếu ở khâu chế biến. Như chia sẻ của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đó là mặc dù trong nước có những nhà máy chế biến tiêu thụ cam nhưng họ lại lạm dụng hương liệu hóa chất. Cho nên, rốt cuộc việc sử dụng nguyên liệu từ cam sành vốn đang cần “giải cứu” cho nông dân lại khá hạn chế.
Nói tóm lại, bên cạnh chuyện được mùa mất giá, phụ thuộc thị trường xuất khẩu trái cây tươi thì việc tạo đột phá trong chế biến nông sản vẫn cần sự nỗ lực nhiều hơn từ phía các DN. Có như vậy mới gỡ khó cho nông dân và vừa nâng cao giá trị cho nông sản cũng như tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.