Về Bến Tre, bạn sẽ được gặp những người dân hồn hậu, những con người đã “bám chặt quê hương”, đã đứng lên “dựng những pháo đài ” ở xã Định Thủy, cái nôi của cuộc Đồng khởi năm xưa. Những con người với tinh thần tự lực, tự cường, thông minh, bất khuất vượt mọi khó khăn chinh phục miền đất hoang vu từ những buổi đầu khai sinh lập địa.
Đất Bến Tre màu mỡ, giàu tài nguyên thủy, hải sản. Người Bến Tre không chỉ siêng năng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống mà còn có cả một tinh thần trượng nghĩa, mến khách, cởi mở, chân tình, thật thà, chất phác. Với việc nghĩa, họ không nề hà thiệt thòi, sẵn sàng xả thân để bảo vệ. Với tinh thần ấy, trong suốt chiều dài lịch sử, đất và người Bến Tre đã góp phần làm giàu, phong phú thêm giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất, con người ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.
Ngoài nét đẹp bên trong con người vùng đất Bến Tre có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn. Sân chim Vàm Hồ, thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân, huyện Ba Tri, là nơi trú ngụ của gần 500.000 con cò và vạc và các loài chim thú hoang dại khác cùng với rừng chà là và thảm thực vật phong phú gồm các loại cây ổi, so đũa, đậu ván, mãng cầu Xiêm, dừa nước, đước đôi, bụp tra, chà là, ô rô, rau muống biển…
Cuộc sống của người dân Bến Tre đang khởi sắc, hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Nhiều sản phẩm của xứ dừa đã bước ra thế giới, làm giàu cho quê hương trên con đường hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khu du lịch cồn Phụng đang được du khách thập phương biết đến và đang ngày càng thu hút đông đảo người đến tham quan nghỉ dưỡng.
Bến Tre – vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này chắc chắn trong một ngày không xa sẽ phát triển vượt bậc